Đời sống cá nhân George_Harrison

Ấn Độ giáo

Harrison, Shyamasundara Dasa và Mukunda Goswami trước cửa ngôi thiền tự Samadhi mang tên Jiva Goswami tại Vrindavan, Ấn Độ năm 1996

Tới giữa những năm 60, Harrison trở thành một người sùng đạo Hindu và huyền học, và ông trực tiếp giới thiệu chúng tới các thành viên của The Beatles[269]. Trong quá trình quay phim Help!Bahamas, ban nhạc được gặp gỡ người sáng lập của Sivananda Yoga, Vishnudevananda Saraswati – người cho họ chép lại cuốn sách thiền của mình là The Complete Illustrated Book of Yoga. Khoảng giữa khi The Beatles chính thức dừng việc đi lưu diễn vào năm 1966 cho tới lúc chuẩn bị thực hiện Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band, Harrison đã cùng vợ Pattie thực hiện chuyến hành hương tới Bombay mà tại đây ông được học sitar, trực tiếp gặp gỡ các guru và tham quan nhiều địa điểm kỳ thú[270]. Năm 1968, anh tới Rishikesh ở phía Bắc Ấn Độ cùng các Beatle khác để thiền cùng thiền sư Maharishi Mahesh Yogi[270]. Harrison sử dụng nhiều loại ma túy ảo giác nhằm giúp mình nhập tâm vào thiền và Ấn Độ giáo. Ông bình luận: "Với tôi, đó như kiểu một tia sáng dẫn đường. Lần đầu tôi dùng chất kích thích, tôi đã mở ra được một vùng lớn vốn ẩn sâu trong trí não tôi, và tôi đã nhận ra được rất nhiều điều. Không phải là tôi học chúng bởi vì tôi đều đã biết chúng từ trước, nhưng thứ diễn ra như kiểu một chiếc chìa khóa mở tung cánh cửa đang đóng lại. Từ khoảnh khắc đó, tôi luôn muốn dùng chúng mọi lúc – cả những suy nghĩ về những yogi và những người Himalaya, và cả âm nhạc của Ravi."[109]

Harrison dần trở thành người ăn chay vào khoảng cuối những năm 1960 và ủng hộ nhà truyền giáo Paramahansa Yogananda[271]. Tới giữa năm 1969, ông cho phát hành đĩa đơn "Hare Krishna Mantra", trình bày bởi các thành viên của ngôi đền thờ RadhaKrishna ở London. Sau đó, Harrison bắt đầu theo những phong tục của Hare Krishna, đặc biệt là japa-yoga tụng kinh với tràng hạt, rồi sau đó trở thành người mộ đạo trọn đời[272][gc 24]. Ông cũng coi trọng việc con người có kiếp khác và nói: "Mọi tôn giáo đều bắt nguồn từ một cây tổ. Chẳng có gì quan trọng khi bạn gọi Ngài là gì mỗi khi bạn cần tới Ngài."[274] Ông cũng bình luận về đức tin của mình:

"Thần Krishna thực tế có trong hình dạng người trần... Thứ làm phức tạp nó lên đó là, rằng nếu ngài là Đấng tối cao thì cái gì đã khiến ngài phải chiến đấu ngoài chiến trường? Điều đó đã khiến tôi phải lưu tâm nhiều, và sau này cách mà Yogananda cảm thụ về Bhagavad Gita đã giúp tôi vỡ ra nhiều điều. Những suy nghĩ của chúng ta rằng Krishna và Arjuna đều từng ra trận trên chiến xe. Và đó chính là vấn đề – chúng ta thực tế đã nhập vào những sự vật đó, chẳng hạn như chiếc chiến xe, và chúng ta đều đi qua sự hiện thân đó, cuộc đời đó, tương tự như hình ảnh chiến trường vậy. Ý nghĩa của những sự vật ấy... là những con ngựa kéo chiếc chiến xe, và chúng ta điều khiển chúng với chiếc xe qua những dây cương. Arjuna cuối cùng đã nói: "Này Krishna, ngươi phải khiển chiếc xe, vì trừ khi chúng ta mang theo Chúa, Krishna, Đức Phật hay bất kể người dẫn đường nào khác..., nếu không chúng ta sẽ làm hỏng chiếc xe này và buộc phải quay lại, rồi chúng ta sẽ phải bỏ mạng tại chiến trường." Chính vì vậy chúng ta luôn nói "Hare Krishna, Hare Krishna" nhằm cầu mong Krishna điều khiển tốt chiếc xe."[275]

Trước Harrison, chỉ có Cliff Richard là nghệ sĩ người Anh công khai những hoạt động cải đạo của mình khi ông tuyên bố vào năm 1966 rằng mình chuyển sang Kitô giáo. Inglis viết: "Trái lại, những trải nghiệm của Harrison lại được coi như những hành động cần thiết và nghiêm túc cho sự phát triển của âm nhạc quần chúng... điều mà anh cùng các Beatle khác đã cố gắng thay đổi những định kiến cố hữu rằng những nghệ sĩ nhạc quần chúng chẳng có một việc gì hơn là đứng trên sân khấu và hát những ca khúc của họ."[276]

Gia đình

Căn nhà Kinfauns của Harrison ở Surrey, nơi anh từng sống cùng Pattie Boyd

Harrison cưới người mẫu Pattie Boyd ngày 21 tháng 1 năm 1966 với McCartney làm phù rể[277]. Cặp đôi gặp nhau vào năm 1964 trong quá trình quay bộ phim A Hard Day's Night khi Boyd lúc đó mới 19 tuổi vào vai một nữ sinh[278]. Họ ly thân vào năm 1974 và các thủ tục ly hôn hoàn tất vào năm 1977[279]. Boyd nói rằng việc bà quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân với Harrison bắt nguồn từ những nghi ngờ thường xuyên từ ông, và vụ bê bối tình ái với vợ của Starr, Maureen, được Boyd gọi là "dấu chấm hết"[280]. Bà miêu tả năm cuối cùng của đời sống vợ chồng với Harrison "tràn ngập rượu và cocaine" và nhấn mạnh: "George dùng cocaine quá nhiều, và tôi nghĩ nó đã làm thay đổi anh ấy... nó khiến anh trở nên lạnh lẽo và làm đông cứng trái tim anh."[281] Bà sau đó qua lại với Clapton và họ làm đám cưới vào năm 1979[282][gc 25].

Harrison sau đó cưới thư ký của hãng Dark Horse Records, Olivia Trinidad Arias, ngày 2 tháng 9 năm 1978. Họ gặp nhau vào năm 1974 tại trụ sở hãng ở Los Angeles và có với nhau một người con trai duy nhất là Dhani Harrison (sinh ngày 1 tháng 8 năm 1978)[284].

Anh tiến hành sửa lại điền trang kiểu Anh tại Friar Park, Henley-on-Thames, nơi mà rất nhiều video ca nhạc sau đó được quay, tiêu biểu như "Crackerbox Palace". Khu vườn tại đây cũng được dùng làm ảnh bìa cho album All Things Must Pass[285][gc 26]. Ông trực tiếp thuê 10 công nhân về chỉnh sửa lại khu vườn rộng tới 36 mẫu Anh (khoảng 150.000 m2)[288]. Harrison cho rằng khu vườn mang nhiều ý nghĩa thoát ly: "Đôi lúc tôi cảm thấy như mình sống ở một hành tinh khác, và thật tốt khi tôi đứng ở trong khu vườn của mình, đột nhiên tôi đi qua cánh cửa và nghĩ: "Mình đang làm cái quái gì ở đây vậy?""[289] Cuốn tự truyện của anh, I, Me, Mine được đề tặng "cho nhũng người làm vườn ở khắp nơi"[290]. Cựu phụ trách truyền thông của The Beatles, Derek Taylor, đã giúp đỡ Harrison viết cuốn sách này với chỉ một chút thông tin về ban nhạc, còn lại là những chia sẻ về sở thích, âm nhạc và ca từ của Harrison[291]. Taylor bình luận: "Không phải là George không thừa nhận The Beatles... nhưng mà nó đã là từ rất lâu rồi và chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đời của cậu ấy."[292]

Harrison cũng là người rất quan tâm tới xe hơi thể thao và các cuộc đua xe phân khối lớn. Ông là một trong số 100 người đã từng mua chiếc siêu xe McLaren F1[293]. Ông cũng sưu tập ảnh các loại xe đua cùng các tay đua nổi tiếng từ khi còn trẻ, và năm 12 tuổi Harrison đã đi đua lần đầu tiên trong cuộc đua British Grand Prix năm 1955 tại Aintree Racecourse[293][294]. Ông từng sáng tác ca khúc "Faster" để tôn vinh 2 tay đua F1Jackie StewartRonnie Peterson. Việc phát hành ca khúc này được dành cho hoạt động tưởng niệm Gunnar Nilsson, sau khi tay đua người Thụy Điển qua đời vì ung thư vào năm 1978[295]. Siêu xe đầu tiên của Harrison, chiếc Aston Martin DB5 1964, được bán đấu giá vào ngày 7 tháng 12 năm 2011 tại London; một người sưu tầm vô danh các vật phẩm của The Beatles đã trả chiếc xe mà Harrison mua năm 1965 này với giá 350.000 £[296].

Mối quan hệ với các Beatle khác

Harrison (thứ 2 từ trái sang) cùng The Beatles và Lill-Babs trên chương trình truyền hình Drop-In của Thụy Điển vào năm 1963

Trong suốt hầu hết thời kỳ của The Beatles, mối quan hệ giữa các thành viên là rất khăng khít. Theo Hunter Davies, "The Beatles sử dụng cuộc sống của họ không phải để sống cùng nhau, mà để cùng sống một cuộc sống giống nhau. Họ đều là những người bạn tốt nhất của nhau." Pattie Boyd cũng từng miêu tả mỗi Beatles "thuộc về nhau" như thế nào, và thừa nhận "George có cả đống thứ với họ mà tôi không hề được biết. Không một ai, kể cả những người vợ, có thể xen vào và hiểu được điều đó."[297]

Starr nói: "Chúng tôi luôn để ý lẫn nhau và chúng tôi thường cười lớn bên nhau. Hồi đó chúng tôi được sử dụng cả một hệ thống khách sạn hoành tráng, rồi được thuê nguyên cả tầng, song rốt cuộc chúng tôi chỉ sử dụng mỗi một chiếc phòng tắm, cũng chỉ để lúc nào cũng ở bên nhau." Ông cũng nói thêm: "Đó là những khoảnh khắc vô cùng yêu thương giữa bốn con người: căn phòng ở đây và ở kia, thực sự gần gũi. Có 4 chàng trai vô cùng quý mến nhau. Điều đó thực sự xúc động."[298]

Lennon kể lại mối quan hệ giữa ông và Harrison như kiểu "giữa một môn đệ và một người thầy... cậu ấy cứ như thể là học trò của tôi vậy mỗi khi chúng tôi bắt đầu làm việc."[299] Cả hai sau đó cùng nhau khám phá ra LSD, và cùng tìm thấy những điểm chung về tâm hồn. Cuối cùng họ lại đi theo hai con đường khác nhau: Harrison tìm thấy Đấng tối cao, còn Lennon thì đi tới kết luận rằng con người chỉ là sản phẩm do chính họ tạo ra[300]. Harrison gọi Lennon "vừa là một thiên thần, vừa là một gã đểu"[301].

McCartney là Beatle đầu tiên mà Harrison gặp khi họ cùng đi xe bus tới trường, cùng nhau học và thử nghiệm những hợp âm guitar mới. McCartney nói ông vẫn thường ở cùng với Harrison mỗi khi ban nhạc đi lưu diễn[302]. McCartney chính là phù rể cho đám cưới của Harrison vào năm 1966 và là Beatle duy nhất có mặt tại buổi lễ[303]. McCartney từng gọi Harrison là "người em trai"[304]. Năm 1974, trong buổi phỏng vấn với Alan Freeman trên đài BBC, Harrison lại nói: "McCartney đã hủy hoại sự nghiệp guitar của tôi."[305] Có lẽ trở ngại lớn nhất trong việc tái hợp The Beatles sau cái chết của Lennon chính là mối quan hệ trục trặc giữa McCartney và Harrison khi cả hai đều thừa nhận rằng người kia có vấn đề[306]. Rodriguez bình luận: "Cho tới tận những ngày cuối cùng của George, mối quan hệ giữa họ vẫn không rõ ràng."[307]

Hoạt động xã hội

Harrison hoạt động vì nhân đạo và chính trị trong suốt cuộc đời mình. Trong suốt những năm 60, The Beatles đã ủng hộ những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Sau khi ban nhạc tan rã, Ravi Shankar đã từng tham vấn Harrison cách để quyên góp tiền ủng hộ những nạn nhân của cơn bão khủng khiếp Bhola vào năm 1970 tại Bangladesh và của cuộc chiến giành độc lập ở đất nước này[308]. Harrison đã tiến hành thu âm ca khúc "Bangla Desh", rồi thúc ép Apple Records cùng phát hành nó với ca khúc "Joy Bangla" của Ravi Shankar nhằm tạo quỹ ủng hộ[309]. Shankar cũng đề xuất với Harrison việc tổ chức một chương trình từ thiện nhỏ tại Mỹ, và Harrison đã đáp lại bằng chương trình Concert for Bangladesh với số tiền thu được lên tới 240.000 $ – một con số khủng khiếp vào thời điểm đó[310]. Tháng 7 năm 1972, UNICEF tôn vinh Harrison và Shankar bằng giải thưởng "Child Is the Father of Man" cho những đóng góp nhằm giảm thiểu thiệt hại tại Bangladesh[311].

Quỹ hoạt động nhân đạo George Harrison cho UNICEF – được xây dựng từ đóng góp của gia đình Harrison và quỹ UNICEF tại Mỹ – ủng hộ những chương trình giúp đỡ trẻ em gặp những vấn đề nhân đạo[312]. Tháng 12 năm 2007, quỹ này đã ủng hộ 450.000$ cho nạn nhân của cơn bão Sidr ở Bangladesh[312]. Ngày 13 tháng 10 năm 2009, Giải thưởng nhân đạo George Harrison lần thứ nhất đã được trao cho Ravi Shankar vì những cố gắng bảo vệ cuộc sống của trẻ em và cả những đóng góp từ chương trình Concert for Bangladesh[313].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: George_Harrison //nla.gov.au/anbd.aut-an36196566 http://www.cbc.ca/news/arts/george-harrison-honour... http://www.allmusic.com/album/brainwashed-mw000023... http://www.allmusic.com/album/cloud-nine-mw0000193... http://www.allmusic.com/album/george-harrison-mw00... http://www.allmusic.com/song/got-my-mind-set-on-yo... http://www.allmusic.com/song/i-wont-back-down-mt00... //www.amazon.com/dp/B007JWKLMO http://www.billboard.com/bbcom/yearend/2005/centur... http://www.concertforbangladesh.com/